SHTT-Thủ tục đăng ký quyền tác giả – quyền liên quan

25/02/2020    1.033    4.91/5 trong 20 lượt 
SHTT-Thủ tục đăng ký quyền tác giả – quyền liên quan
Việc đăng ký bản quyền tác giả là sự chứng nhận cho sự sáng tạo của con người. Tác giả sẽ nhận được các phần thưởng xứng đáng với công sức mình bỏ ra.
Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.
*** Lưu ý: 
Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

I. THÀNH PHẦN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ BẢ QUYỀN TÁC GIẢ:

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai);
*** Lưu ý: Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu có)
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
*** Lưu ý: Các tài liệu trên phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

II. CƠ QUAN THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT HỒ SƠ:

- Cục Bản quyền tác giả có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 51 của Luật Sở hữu trí tuệ.

III. 4 BƯỚC ĐỂ ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ:

Bước 1: Xem xét một cách khách quan và toàn diện tác phẩm, đánh giá tính khả thi của tác phẩm.

Thực tế việc xem xét này mang tính chủ quan phần nhiều, bởi lẽ khi sáng tạo nên bất cứ một tác phẩm gì thì người tác giả là người nắm rõ nhất các đặc điểm trong tác phẩm có sao chép hay vi phạm quyền của bất cứ ai không. Sở dĩ có bước này là do Cục bản quyền không xem xét đến nội dung tác phẩm mà chỉ ghi nhận quyền của tác giả. Trong trường hợp tác phẩm có xảy ra tranh chấp, nghĩa vụ chứng minh thuộc về tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.

Bước 2: Phân loại tác phẩm đăng ký

Các tác phẩm được bảo hộ khi thuộc một trong những loại hình tác phẩm được quy định tại Điều 14 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009.

Bước 3: Soạn thảo và nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tại Cục bản quyền tác giả Việt Nam.

Việc soạn thảo hồ sơ khá quan trọng, tùy thuộc vào loại hình tác phẩm cụ thể mà hồ sơ đăng ký sẽ có các tài liệu khác nhau. Tuy nhiên, ATV MEDIA giới thiệu một số tài liệu mang tính bắt buộc như sau:
- Tác phẩm đăng ký (Số lượng: 02);
- Tài liệu chứng minh cơ sở phát sinh quyền tác giả (số lượng: 01);
- Thông tin tác giả/đồng tác giả;
- Thông tin về chủ sở hữu;
Thủ tục đăng ký quyền tác giả được thực hiện tại Cục bản quyền tác giả Việt Nam. Bằng việc tự mình hoặc thông qua Đại diện quyền tác giả/quyền liên quan nộp hồ sơ đăng ký.

Bước 4: Nhận Giấy Chứng nhận bản quyền tác giả.

Nếu hồ sơ được soạn thảo đúng và đầy đủ các tài liệu thì thời gian thông thường để được Cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả là 15-20 ngày làm việc. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận để sai/hoặc thiếu bất cứ thông tin nào thì thời gian làm việc được tính lại từ đầu kể từ ngày nộp hồ sơ bổ sung.

IV. THỜI HẠN CẤP BẢN QUYỀN TÁC GIẢ:

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, - Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

V. ĐĂNG BẠ VÀ CÔNG BỐ QUYỀN TÁC GIẢ:

- Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Quyết định cấp, cấp lại, đổi hoặc huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được công bố trên Công báo về quyền tác giả, quyền liên quan.
Quý khách hàng có câu hỏi liên quan đến thủ tục đăng ký quyền tác giả – quyền liên quan xin vui lòng liên hệ ATV MEDIA để được các luật sư hỗ trợ nhanh chóng, chính xác nhất.
ATV MEDIA